TỔNG QUAN VỀ THƯỚC PANME VÀ QUY TRÌNH HIỆU CHUẨN
Thước panme là gì?
Thước panme là một thiết bị cực kỳ hữu ích đi kèm với các dụng cụ cơ khí. Nó có thể đo chính xác tới từng µm. Thước panme được sử dụng rộng rãi để đo lường chính xác các chi tiết trong kỹ thuật cơ khí và gia công cắt gọt, Thước có độ chuẩn xác cao, được sử dụng cùng với các dụng cụ đo lường khác như dials, Vernier và thước kẹp.
Thước Panme có rất nhiều loại (như hình): đo trong, đo ngoài, vít vi sai, đầu dạng lưỡi, với đầu V-Anvil, đo đường kính ren, đo giới hạn, đo lỗ khoan, đo mặt hình cầu, dạng bàn đo, đo độ sâu, đo độ dày, đo ống, đo Vernier.
Ở bài viết này, chúng tôi chỉ mô tả về thước panme đo ngoài và cách sử dụng thước như thế nào?
Cấu tạo của thước Panme đo ngoài gồm (xem hình bên dưới): Mỏ đo/bề mặt đo; Đầu đo tỉnh; chốt khóa; Thân thước chính; Thân thước phụ; Núm vặn/ bánh cóc; Khung/ tay cầm; Màn hình hiển thị; Các nút nhấn Hold, Zero, Origin
Panme thường có độ mở tối đa là 25mm. Do đó, thước có các phạm vi từ 0-25mm, 25-50mm, 50-75mm và tương tự lên đến 600 mm.
Cách sử dụng của Panme
Trước khi sử dụng panme đo ngoài, ta phải:
1/ Lau khô và làm sạch bề mặt của thước panme bằng khăn sạch. Chú ý đến đầu đo của thiết bị.
2/ Đóng hoàn toàn thước panme một cách nhẹ nhàng.
3/ Từ từ cho hai bề mặt đo tiếp xúc và xoay bánh cóc (thimble) nhẹ nhàng cho đến khi nghe tiếng ‘tách’ để kiểm tra điểm zero, nếu lực quá mạnh tác động lên đầu đo tĩnh sẽ gây ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả đo. Nếu thước hiển thị số 0 trên màn hình LCD có nghĩa là bạn có thể bắt đầu thực hiện phép đo. Nếu nó không hiển thị 0, hãy kiểm tra pin hoặc hiệu chỉnh cho đến khi nó đọc 0.
4/ Nhấn nút mm/in để chuyển đơn vị đo theo ý muốn.
Trong quá trình sử dụng panme
1/ Không được xoay trục quay vượt quá giới hạn trên của phạm vi đo, vì như vậy có thể làm hỏng panme.
2/ Nếu xảy ra lỗi hoặc số hiển thị bất thường, ta tháo pin ra và lắp lại.
3/ Đặt nhẹ vật cần đo vào đầu đo của thước panme. Đảm bảo rằng thước đo vuông góc với các bề mặt được đo.
4/ Xoay bánh cóc cho đến khi 2 đầu đo tiếp xúc với vật cần đo. Không nên kẹp quá chặt vào vật. Xoay đến khi bánh cóc xuất hiện tiếng kêu ‘tách’.
5/ Khóa chốt trên panme để đảm bảo rằng các số liệu không bị thay đổi.
Lưu ý sau khi sử dụng panme đo ngoài
1/ Vệ sinh dụng cụ sạch sẽ, nếu sử dụng thước ở nơi có khả năng bị nhiễm bẩn, cần thực hiện các biện pháp xử lý chống gỉ sau khi sử dụng.
2/ Nới lỏng khoá trục, tách các mặt đo ra cách nhau khoảng 0,2 đến 2 mm. Không cất giữ thước trong phòng có nhiệt độ cao, ẩm ướt, bụi hay hơi dầu.
3/ Khi bảo quản thước trong thời gian dài, cần bôi dầu cho trục quay để tránh gỉ sét và tháo pin ra.
4/ Không để panme chung với các dụng cụ sửa chữa, gia công khác để tránh hư hỏng do va chạm và để panme vào đúng vị trí trong hộp đựng để bảo quản.
Quy trình hiệu chuẩn thước vặn (panme) đo ngoài
Nguồn tham khảo: ĐLVN 104 : 2002
1. Các phép hiệu chuẩn
– Kiểm tra bên ngoài: sử dụng mắt thường, kính lúp.
– Kiểm tra kỹ thuật.
– Kiểm tra đo lường.
+ Kiểm tra số chỉ của thước: dùng bộ căn mẫu cấp chính xác 0, phạm vi đo (1,0005 ~100) mm, và các thiết bị phụ trợ như bàn gá, găng tay không bột, dung dịch vệ sinh.
2. Điều kiện hiệu chuẩn:
Nhiệt độ: (20 ± 2) ºC và Độ ẩm: (50 ± 15) %RH.
3. Chuẩn bị hiệu chuẩn
– Lau sạch thước panme bằng dung dịch làm sạch (xăng công nghiệp hoặc các dung môi tương đương).
– Đặt thước panme và phương tiện chuẩn trong điều kiện hiệu chuẩn không ít hơn 1 giờ.
4. Tiến hành hiệu chuẩn
4.1 Kiểm tra bên ngoài
– Bề mặt của đầu đo, các thanh thước và trục quay không bị han rỉ, xước, lồi lõm và có những hư hỏng ảnh hưởng đến tính năng sử dụng của thước;
– Các vạch khắc, trên thang thước phải đều, rõ ràng, vuông góc với trục và mép trống;
– Trên thước vặn phải ghi rõ:
- Giá trị độ chia và phạm vi đo;
- Model, tên hảng sản xuất.
– Trên thanh thước phải ghi kích thước danh định.
– Đối với Panme hiển thị số thì các chữ số hiển thị phải rõ ràng, không đứt nét
4.2 Kiểm tra kỹ thuật
– Vành trống của thước phải chuyển động nhẹ nhàng trên toàn phạm vi đo;
– Trục ren phải chuyển động đều, nhẹ nhàng, khi quay trục ren tự do thì đầu chỉnh lực không được trượt;
– Vít hãm phải có tác dụng giữ chặt trục ren ở tất cả các vị trí trên toàn phạm vi đo; Sau khi xiết chặt vít hãm trục ren không được dịch chuyển.
4.3 Kiểm tra đo lường
– Chỉnh thước panme về vị trí “0”;
– Dựng căn mẫu với phân loại bậc kích thước gấp 4 lần giá trị của bước ren so sánh với số chỉ của thước trên toàn bộ phạm vi đo;
– Hiệu số giữa số chỉ trên thang đo của thước vặn và kích thước căn mẫu là sai số số chỉ.
Thước Panme sau khi hiệu chuẩn xong sẽ được dán tem, cấp chứng nhận hiệu chuẩn kèm theo thông báo kết quả hiệu chuẩn.
Cuối cùng, thước Panme sẽ được dán tem hiệu chuẩn và Chu kỳ hiệu chuẩn được đề nghị là 01 năm.
Chính vì thước Panme xuất hiện rất nhiều trong các lĩnh vực đo lường trong sản xuất, chế tạo, xây dựng…đòi hỏi sự đảm bảo chính xác nhằm đưa ra những kết quả đo tin cậy. Vì vậy việc hiệu chuẩn định kỳ ngoài việc đảm bảo sự ổn định chính xác, mà còn giúp phát hiện các thiết bị lỗi, hư hỏng để tránh ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất. Nếu quý khách có nhu cầu hiệu chuẩn thước Panme nhanh chóng, chính xác và đáng tin cậy, vui lòng liên hệ với PTN UniLab qua email, số điện thoại như sau :
Email : lab@uni-lab.com.vn
Hotline : 094.699.9975